Điểm giao giữa kỹ thuật và nghệ thuật chính là nghề kiến trúc
Sự bền vững tượng trưng cho sức khỏe, còn tính thẩm mỹ tượng trưng cho áo quần, sắc đẹp và các trang trí bên ngoài.
Kiến trúc sư được mệnh danh là người tạo ra bộ mặt cảnh quan đô thị. Hiểu theo nghĩa rộng, họ là người có nhiệm vụ kế thừa, phát triển và thiết kế nên bản sắc văn hóa của các công trình, đô thị và quốc gia. Điều đó cho thấy kiến trúc sư có vai trò rất quan trọng.
Nghề đẹp và khó
Kiến trúc là một ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực: Nghệ thuật và Kỹ thuật. Một kiến trúc sư (KTS) thành công là người biết dung hòa hai mảng có vẻ mâu thuẫn đó trong công việc. Vừa sáng tạo, lãng mạn lại vừa phải nắm vững và cập nhật công nghệ, gò mình vào các tính toán khô cứng. Nhưng chính hai mặt tưởng như mâu thuẫn ấy lại tương trợ nhau, giúp cho người KTS sáng tạo ra những sản phẩm kiến trúc độc đáo.
Trong một thiết kế công trình, có 4 tiêu chí được đặt theo thứ tự: Thích dụng, Bền vững, Thẩm mỹ và Tinh tế.
Tính Thích dụng của công trình được đặt lên hàng đầu bởi nó quyết định công năng của công trình, nhằm tạo ra tiện ích cao nhất cho người sử dụng. Thẩm mỹ chỉ đứng ở hàng thứ 3, nhưng lại rất quan trọng. Người ta thường nhìn vào “mặt tiền” trước để đánh giá “tài năng” của KTS, đây cũng là điểm (đôi khi) khiến cho KTS phải hy sinh công năng của công trình để phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng.
Có thể ví von công trình giống như một cơ thể sống: công năng tốt đảm bảo cho các cơ quan nội tạng hoạt động ổn định, trao đổi chất thuận lợi. Sự bền vững tượng trưng cho sức khỏe, còn tính thẩm mỹ tượng trưng cho áo quần, sắc đẹp và các trang trí bên ngoài.
Tuy nhiên, sai lầm của nhiều KTS là quá quan tâm đến vẻ đẹp công trình mà bỏ rơi sự bền vững và công năng. Sai lầm này rất dễ phát hiện ra khi công trình đó được đưa vào sử dụng.
Tâm sự người trong nghề
“Tôi là một KTS trẻ, mọi chuyện đối với tôi cũng rất bình thường; có thể coi là may mắn hơn nhiều người, cũng có thể là sẽ kém may mắn hơn rất nhiều người khác. May mắn nhất là tôi vẫn giữ được lòng yêu nghề, vẫn giữ được sự hăng hái tham gia vào các dự án lớn, chịu trách nhiệm nặng nề và vất vả cho dù thu nhập còn hạn chế.
Trong công việc, KTS trẻ thiếu kinh nghiệm thường gặp phải những tình huống không biết nên khóc hay nên cười. Chủ nhà làm việc với KTS từ các bản vẽ thiết kế sơ phác đến chi tiết rồi xin photocopy lại để bàn bạc với các thành viên trong gia đình. Sau đó họ tìm cách bác ý kiến của KTS và không ký hợp đồng, để rồi lại dùng chính thiết kế ấy để tự xây dựng… mà không phải trả khoản nào cho lao động chất xám của KTS.
(Ghi theo lời kể của KTS Đ.Đ.Hải, Công ty Tư vấn Xây dựng và Thiết kế A&D, Hà Nội).
Nghề KTS có thích hợp với phụ nữ?
Hiện nay số lượng các nữ sinh viên học ngành kiến trúc ngày càng đông, trong số đó có nhiều bạn học rất xuất sắc. Điểm mạnh của họ là thiên hướng “vị nghệ thuật” nên trong các thiết kế luôn mang nét nữ tính, trang nhã, nhẹ nhàng.
Số các nữ KTS thành công cũng không hiếm. Với đề tài “Reload” (tìm lại), nữ KTS Trần Mai Anh (hiện đang là giảng viên tập sự khoa Quy Hoạch ĐH Kiến Trúc Hà Nội) đã đạt giả nhất cuộc thi quốc tế mang tên “Xưởng thiết kế mùa hè Cergy- Pontoise” tổ chức tại Pháp tháng 9-2005.
Năm 2004, giải thưởng kiến trúc hàng đầu thế giới, Pritzker Architecture Prize, lần đầu tiên trong 25 năm hình thành và tồn tại, đã trao danh hiệu cao quý này cho bà Zaha Hadid. Nữ KTS người Anh gốc Iraq này đã làm việc hết sức mình để sáng tạo ra những công trình vĩ đại trên khắp châu Âu.
Leave a Reply