Kỹ sư khoan nghề lương cao “đi sau” mà “về sớm”
Vì vậy, đã có một số KSKDK người Việt hiện đang làm việc tại nước ngoài (Malaysia, Châu Phi…), và được đánh giá ngang hàng với các kỹ sư người nước ngoài, được hưởng cùng chính sách và lương thưởng hấp dẫn.
Ở các quốc gia phát triển, nghề kỹ sư khoan dầu khí (KSKDK) được biết đến với mức lương có thể lên đến hàng trăm nghìn USD hàng năm và được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ khác: chương trình đào tạo tốt, thời gian nghỉ ngơi tương đối dài, được đi nhiều nơi trên thế giới… Thật là một nghề hấp dẫn phải không? Trên thực tế, nghề KSKDK là một ngành nghề đặc biệt, mà chỉ những người trong nghề mới thực sự “vẽ” được bức tranh hoàn chỉnh về nghề này.
Nghề của một công trình sư và kỹ sư công trường
KSKDK gồm hai nhánh: kỹ sư làm việc tại văn phòng và kỹ sư làm việc ngoài thực địa. Kỹ sư văn phòng được ví như kiến trúc sư và kỹ sư thực địa giống như kỹ sư công trường. Công việc của KSKDK là chuẩn bị, thiết kế, xây dựng, và bàn giao công trình sau khi hoàn thành (giếng khoan thăm dò hay khai thác dầu khí).
Anh V.X, một kỹ sư thâm niên trong ngành đang làm việc tại một công ty dầu khí nước ngoài có văn phòng tại TPHCM, tâm sự “Nghề KSKDK có nhiều nét tương đồng với nghề xây dựng công trình.Nghề xây dựng là thiết kế và xây dựng những công trình trên mặt đất, còn nghề KSKDK là thiết kế xây dựng những công trình ngầm trong lòng đất.”
Anh còn cho biết người trong nghề gọi nhau là những người “đi sau về sớm”. “Đi sau” vì các phòng ban như Địa chất, Công nghệ Mỏ, IT, Kế toán, Hành chính, Thương mại… của công ty được thành lập trước; còn phòng Thi công Khoan chỉ được thành lập khi họ chuẩn bị tiến hành công tác khoan. Mặc dù tuổi thọ của một mỏ dầu có thể kéo dài đến 20-30 năm, nhưng nghề khoan chỉ tồn tại từ 2 đến 3 năm. “Về sớm” vì cũng như thợ xây dựng, KSKDK đến với công trình khi còn là bãi đất hoang (những vùng biển mênh mông hoang vắng) và khăn gói ra đi khi các công trình khoan thăm dò và khai thác đã hoàn thiện.
Nghề của hiểm nguy và cô đơn
Với mức lương thực lĩnh có thể lên đến hàng nghìn USD/tháng, nghề KSKDK có thể là ước mơ của nhiều người. Tuy nhiên, con số đó cũng buộc KSKDK phải làm việc thật cật lực trong môi trường khắc nghiệt và thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, có thể xảy ra thương tật hay thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đó có thể là cháy nổ, khí phun trào, rơi xuống biển, tai nạn lao động vì phải làm việc với những máy móc thiết bị nặng nề… mặc dù quy định an toàn trên giàn khoan rất chặt chẽ.
Anh V.X tâm sự, “Trong suốt thời gian làm việc trên giàn, bạn sẽ phải đối mặt với một thế giới hoàn toàn cách ly với cuộc sống bình thường của con người. Không đất liền, không bóng cây, không vật nuôi quen thuộc như mèo chó… và xung quanh chỉ có biển cả mênh mông, sắt thép, tiếng sóng biển và tiếng động cơ ồn ào… Bạn chỉ biết công việc và đi ngủ. Hình thức giải trí duy nhất là tivi và hút thuốc (tuy nhiên việc hút thuốc phải tuân thủ theo quy định một cách ngặt nghèo, vì nguy cơ cháy nổ trên giàn khoan rất cao).
Để yêu và sống được với nghề
“Có cơ hội đi nhiều nơi, được tiếp cận công nghệ mới, cơ hội đi tu nghiệp nước ngoài, đặc biệt là chế độ lương thưởng hấp dẫn… là nguồn động viên chúng tôi gắn bó với nghề,” anh V.X chia sẻ khi nói về mặt tích cực của nghề.
Vì lý do “đi sau về sớm”, nghề KSKDK chỉ được xem như một nghề thời vụ. Do vậy, hiện nay có ít người theo học nghề này, thậm chí nhiều người bỏ nghề để chuyển sang nghề khác. Tuy nhiên, cách đây hai năm khi giá dầu lên đến đỉnh điểm, rất nhiều công ty dầu khí trên thế giới gia tăng hoạt động khoan và khai thác khiến cho nghề KSKDK “lên ngôi”. Vì vậy, đã có một số KSKDK người Việt hiện đang làm việc tại nước ngoài (Malaysia, Châu Phi…), và được đánh giá ngang hàng với các kỹ sư người nước ngoài, được hưởng cùng chính sách và lương thưởng hấp dẫn.
Trở thành KSKDK?
Nếu muốn trở thành KSKDK, các bạn trẻ có thể tham gia học tại khoa Dầu khí của trường Đại học Bách Khoa hay trường Mỏ Địa Chất Hà Nội. Nhưng nếu có điều kiện, bạn nên đi tu nghiệp nước ngoài để nâng cao kiến thức và học hỏi công nghệ mới của các nước bạn. Theo anh V.X, thời gian từ 1-4 năm sau khi tốt nghiệp chỉ là quá trình học nghề, từ năm thứ 5 đến năm thứ 10 mới được xem là làm được việc, và từ năm thứ 10 trở về sau là thời điểm chín muồi của nghề.
Bên cạnh đó, ngoại ngữ là hành trang không thể thiếu đối với một KSKDK, vì đa số các chuyên gia làm việc tại giàn là người nước ngoài. Vì vậy khi còn ngồi trên giảng đường các bạn trẻ phải cố gắng thực hành ngoại ngữ mỗi khi có thể, nghe và nói thật nhiều. Trên thực tế, các công ty dầu khí nước ngoài sẵn sàng tuyển một người không học đúng chuyên ngành, nhưng thông minh và ngoại ngữ tốt; sau đó họ sẽ cử đi học nâng cao ở nước ngoài.
Ngoài ra, những kỹ năng mềm như thuyết trình, giải quyết mâu thuẫn, thiết lập quan hệ tốt với đồng nghiệp, xử lý nhanh những vấn đề bất ngờ xảy ra… là những kỹ năng quan trọng bạn cần trang bị cho mình.
Tiềm năng của nghề trong tương lai
Theo ước tính của các chuyên gia, trữ lượng dầu trên thế giới còn có thể khai thác trong vòng 30 năm nữa. Nếu như giá dầu cao trở lại thì các công ty dầu khí sẽ rất cần đội ngũ KSKDK để tiếp tục tìm kiếm mỏ dầu mới và gia tăng khai thác các mỏ dầu hiện hữu.
Anh V.X nhận định, nghề KSKDK là một nghề có thể thu hút rất nhiều bạn trẻ vì mức lương và đãi ngộ hấp dẫn nêu trên. “Nếu các bạn trẻ thật sự yêu thích công việc này, hãy tự tin đến với nghề. Tuy nhiên, các bạn cần cân nhắc thật kỹ vì khi đã chọn nghề thì phải sống chết với nghề. Đây là ngành hẹp rất khó có cơ hội tìm việc ở những ngành khác, nếu muốn đổi nghề thì cần phải đào tạo lại.”
Leave a Reply