Có nên chuyển hướng sự nghiệp lúc đang đỉnh cao?

Một khi bạn thấy tự tin với những gì mình đã nắm bắt và chuẩn bị, ấy là lúc bạn có thể tiến hành công việc mới mà bạn mong chờ.

Bạn có biết Eric Cantona – huyền thoại bóng đá người Pháp đã từ giã sự nghiệp khi mới 30 tuổi & đang ở đỉnh cao phong độ? Với Cantona khi “đã mất niềm đam mê thi đấu” thì dù bóng đá có đem lại cho anh vinh quang hay tiền bạc, anh cũng không thể tiếp tục gắn bó với môn thể thao này. Theo đuổi niềm đam mê mới – nghệ thuật thứ 7 – với vai trò là diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất phim, Cantona đã đạt được cho mình thành công khi bộ phim “Looking for Eric” do anh sản xuất và thủ diễn được đề cử giải phim hay nhất Liên hoan phim Cannes 2009.
Nếu bạn lập luận: vì Eric Cantona đã có tất cả tiền bạc & danh vọng nên anh có thể dễ dàng chuyển hướng sự nghiệp của mình, chúng tôi đồng ý với bạn. Nhưng nếu nhìn nhận theo một hướng khác – hướng thông thường mà chúng ta vẫn nghĩ – bạn phải đồng ý với chúng tôi rằng: Eric đã vô cùng can đảm khi quyết định từ bỏ “vùng an toàn”, từ bỏ sự nghiệp đang mang lại cho anh cả vinh quang lẫn vật chất để dấn thân vào niềm đam mê mới!
Trong chúng ta, ai cũng có đam mê, nhưng những cá nhân chấp nhận rời bỏ “vùng an toàn” để theo đuổi đam mê của mình lại không nhiều, bởi lẽ “con đường phía trước của tôi sẽ ra sao?” là câu hỏi rất khó có câu trả lời. Trong nghề nghiệp, nếu bạn đang băn khoăn “tôi có nên chuyển hướng công việc không?” hoặc “chuyển hướng nghề nghiệp có giúp tôi thành công hơn không?”, không thể trả lời hay thay bạn quyết định, nhưng chúng tôi hỗ trợ bạn bằng những thông tin để bạn đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.

1. Xác định nguyên nhân muốn thay đổi
Tại sao bạn muốn thay đổi nghề nghiệp? Vì buồn chán, vì nghề đang làm không phù hợp khả năng, chưa bao giờ yêu thích công việc, hay vì lương/vị trí quá thấp so với năng lực, không có triển vọng thăng tiến, hoặc chỉ đơn giản do bạn bè của bạn đang làm ở những công ty khác và qua lời họ kể, bạn thấy công việc của mình thật nhàm chán… Sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra khi bạn muốn thay đổi công việc, nhưng chúng tôi khuyên bạn hãy suy xét kỹ trước khi đưa ra quyết định, bạn cần xác định rõ, mong muốn đổi việc của bạn xuất phát từ những nguyên nhân nhất thời (mệt mỏi do lâu ngày không nghỉ phép, căng thẳng vì công ty đang có dự án rất gấp, xích mích với đồng nghiệp hay hiểu lầm với sếp…), nếu chỉ là những nguyên nhân nhất thời, hãy thả lỏng và tạo cho bản thân cơ hội được nghỉ ngơi nạp lại năng lượng để giúp “bộ vi xử lý” của bạn đưa ra những quyết định đúng đắn nhất. Trong trường hợp, bạn đã ấp ủ mong muốn về một công việc nào đó từ lâu, đã đến lúc “gia tăng áp lực” cho bản thân để bắt tay ngay vào kế hoạch đó.

2. Xác định rõ ngành nghề phù hợp với mình
Ứng với mỗi tính cách sẽ có những ngành nghề phù hợp, bạn có thể rất muốn trở thành một nhân viên kinh doanh nhưng nếu bạn không thích giao tiếp, tạo mối quan hệ hay làm việc dưới áp lực cao về doanh số, ngành Sale dường như không phải là bến đỗ lý tưởng dành cho bạn. Chuyển hướng công việc đồng nghĩa với việc xác định lại mục tiêu nghề nghiệp của mình. Bạn muốn thay đổi hẳn và chuyển sang một nghề mới, hay vẫn gắn bó với nghề nghiệp cũ nhưng muốn tự lập công ty riêng để có thể thỏa sức vẫy vùng? Thế mạnh của bạn là gì, điểm hạn chế của bạn nằm ở đâu? Bạn mong muốn một công việc như thế nào và bản thân bạn phù hợp với công việc đó ra sao là những câu hỏi bạn nên tự hỏi bản thân trước khi đưa ra quyết định. Hẳn nhiên chọn theo đam mê luôn là gợi ý đầu tiên, nhưng lưu ý, một sự nghiệp chỉ được gọi là lý tưởng khi đam mê gắn liền với năng lực. Bạn không thể theo nghề báo chỉ vì thấy nghề này thú vị, được đi nhiều, tiếp xúc nhiều… trong khi bạn không có khả năng viết tốt; bạn cũng không thể muốn lập công ty riêng chỉ để bằng bạn bè khi điều kiện về vốn hoặc năng lực lãnh đạo của bạn không thể đáp ứng…

Việc xác định rõ công việc phù hợp rất quan trọng, vì đây sẽ là mấu chốt để bạn có thể thành công khi bạn không còn trẻ và chuẩn bị bắt đầu lại từ đầu. Để việc xác định được chi tiết và khoa học, bạn có thể lập ra một danh sách các ngành nghề phù hợp với khả năng và ước muốn của bạn. Thường thì bạn nên tham khảo ý kiến của gia đình và bạn bè, tuy nhiên không phải khi nào họ cũng đúng, bởi họ sẽ tư duy theo logic thông thường, trong khi một “kẻ nổi loạn” muốn thay đổi sự nghiệp đã ổn định như bạn sẽ thiên về hướng đột phá. Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về bạn!

3. Bổ sung kỹ năng phù hợp cho công việc mới
Việc trau dồi kỹ năng cho công việc mới cần được bắt đầu từ trước khi bạn thay đổi nghề nghiệp. Nếu bạn chọn một nghề hoàn toàn mới, bạn sẽ phải học và học rất nhiều để có được kỹ năng chuyên môn đáp ứng đủ cho công việc. Những khóa học bồi dưỡng kỹ năng thường không chiếm nhiều thời gian và chi phí, nhưng chúng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Cập nhật lượng kiến thức chuyên môn về công việc, lắng nghe kinh nghiệm trong nghề từ những người đi trước hoặc gia nhập mạng lưới nghề nghiệp đều là những gợi ý để bạn thực hiện khi muốn “hạ cánh” an toàn với công việc mới. Nhắc lại về Eric Cantona, dù từng là siêu sao thể thao, tham gia nhiều lần phỏng vấn, những đoạn phim ngắn hoặc đóng các phim quảng cáo, nhưng khi chuyển hướng sự nghiệp Eric tham gia rất nghiêm túc nhiều khóa đào tạo chuyên nghiệp về diễn xuất và chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm từ những đạo diễn đi trước để chạm đến thành công trên con đường mới.

4. Tạo bước đệm trước khi chính thức “làm lại từ đầu”
Bạn có thể vừa học vừa làm như một “thợ tập sự” trước khi chính thức tham gia công việc mới. Hãy tìm hiểu kỹ lưỡng lĩnh vực bạn quan tâm từ các nguồn như Internet, bạn bè người quen, học hỏi từ những người đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực đó để tham khảo kinh nghiệm của họ. Bạn cũng có thể tìm một công việc bán thời gian, hoặc tham gia tự nguyện những dự án có liên quan để có thêm kinh nghiệm cho công việc mới. Một khi bạn thấy tự tin với những gì mình đã nắm bắt và chuẩn bị, ấy là lúc bạn có thể tiến hành công việc mới mà bạn mong chờ.

Ngoài ra, rẽ hướng sang con đường mới không có nghĩa là bạn cắt đứt mọi mối liên hệ cũ. Trái đất tròn và không ai có thể làm mọi thứ một mình, hãy giữ vững những mối qua hệ tốt đẹp bạn đã có được và xem đó như “của để dành” vì chắc chắn bạn sẽ được sinh lời từ của để dành này trong tương lai.

Mọi thử thách đều có cái giá của nó, nếu chọn cách sống bình lặng, sẽ chẳng ai chê trách bạn, còn nếu đủ đam mê, tự tin và kiên nhẫn, bạn hãy chọn cách thay đổi để vươn lên. Con cá nếu chỉ tung tăng trong ao nhỏ thì dù cố hết sức cũng chỉ được vẫy vùng trong chiếc ao nhỏ mà thôi, nhưng nếu tiến vào một dòng sông, chú cá nhỏ mặc dù có thể sẽ phải chịu nhiều khó khăn nhưng một ngày nào đó, nó có thể bơi ra biển lớn. Hãy nhớ rằng: nếu thử, bạn có 50% cơ hội thành công, nếu không dấn thân, cơ hội thành công của bạn là con số 0.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *