Những cách bảo mật thông tin cá nhân trên hồ sơ xin việc trực tuyến
Thay vào đó, bạn có thể dùng địa chỉ có liên quan đến chuyên môn, chẳng hạn như salespro@abc.com .
Ngày 8 tiếng bạn vẫn đi làm nhưng sẽ có đôi lúc bạn háo hức muốn biết còn có những cơ hội việc làm nào khác dành cho mình không. Tuy nhiên, bạn vẫn chần chừ “Nhỡ đâu sếp biết mình tìm việc mới…” hoặc “thôi mà, đừng ’thả mồi bắt bóng’…”. Vì sự “an toàn” cho công việc hiện tại, ít nhất bạn nên bảo mật 5 thông tin dưới đây khi tìm kiếm những thử thách mới.
1. Họ tên:
Bạn có thể thay tên thật của mình bằng những cụm từ như “Chuyên viên Tiếp thị trực tuyến giàu kinh nghiệm” hoặc “Chuyên gia trong ngành Giải pháp kinh doanh trực tuyến”. Tuy nhiên, nếu muốn, bạn cũng có thể chỉ để tên riêng (không ghi họ) để nhà tuyển dụng có thể dễ dàng gọi bạn.
2. Địa chỉ email:
Mọi nỗ lực “ẩn danh” cũng trở nên vô nghĩa nếu bạn cung cấp một địa chỉ email bao gồm đầy đủ họ tên của mình. Thay vào đó, bạn có thể dùng địa chỉ có liên quan đến chuyên môn, chẳng hạn như salespro@abc.com .
Lưu ý: Không bao giờ sử dụng địa chỉ mail của công ty cũng như số điện thoại, và máy tính tại cơ quan để tìm việc. Ngay cả khi sếp của bạn biết điều này (và hoàn toàn ủng hộ quyết định tìm việc của bạn), việc sử dụng những thông tin này sẽ khiến nhà tuyển dụng tương lai đặt dấu chấm hỏi về mức độ trung thành của bạn.
3. Công ty hiện tại:
Bạn có biết cách tốt nhất để báo với sếp “Sếp ơi tôi ở đây nè!” là để đầy đủ và đúng tên công ty bạn đang làm việc trên hồ sơ? Vì vậy, bạn có thể thế tên và địa chỉ của công ty hiện tại bằng những cụm từ mô tả chung như:
– Nhà sản xuất các sản phẩm công nghệ cao
– Công ty tư vấn kinh doanh quốc tế
4. Chức danh:
Bạn có thể thay những cụm từ mô tả chức danh chuyên ngành bằng những cụm từ thông thường và đơn giản hơn. Ví dụ, thay vì nói Chuyên gia quản lý chất lượng Hệ thống Widgets, bạn có thể ghi Chuyên gia Quản lý chất lượng.
5. Những cụm từ chuyên ngành
Nhà tuyển dụng thường tìm kiếm ứng viên như thế nào? Họ sẽ gõ vào ô Tìm kiếm các “từ khóa” (keyword) mô tả chuyên môn của ứng viên mà họ muốn tìm. Vì vậy, để sếp của bạn không phát hiện ra bạn, hãy tránh dùng các cụm từ chuyên biệt về lĩnh vực của bạn trong hồ sơ, chẳng hạn như những từ ngữ mô tả về:
– Sản phẩm, thị trường, ngành nghề đặc trưng
– Tên khách hàng, tên công ty
– Trình độ kỹ thuật chuyên môn, bằng cấp chuyên ngành
Trên đây là 5 nhóm thông tin bạn nên “ngụy trang” trước khi đăng hồ sơ trực tuyến dưới chế độ bảo mật. Thông thường, bạn nghĩ rằng hồ sơ bảo mật sẽ hạn chế cơ hội của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn viết cẩn thận và bảo mật thông tin khéo léo, bạn vẫn sẽ thu hút được những nhà tuyển dụng tốt nhất mà vẫn “bình chân như vại” trước sếp hiện tại. Vì thế, nếu bạn yêu thích những thử thách mới, hãy tự “hóa trang” thật khéo léo để sếp không tài nào phát hiện ra bạn nhé!
Leave a Reply